Tổ chức đánh giá luận văn Thạc sĩ

  1. Học viên của các chương trình đào tạo thạc sĩ do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng hoặc cùng cấp bằng được bảo vệ luận văn khi có đủ các điều kiện dưới đây:
    • Đã tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu của chương trình đào tạo thạc sĩ và hoàn thành luận văn trong thời hạn đào tạo tối đa cho phép, có điểm trung bình chung tích lũy các học phần đạt từ 2,0 trở lên;
    • Đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra quy định của Đại học Quốc gia HN
    • Được cán bộ hướng dẫn đồng ý cho bảo vệ;
    • Bản thông tin luận văn được đăng tải trên trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội và trang web của đơn vị đào tạo trước khi bảo vệ ít nhất 10 ngày;
    • Hiện không bị kỉ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
    • Đã hoàn thành các thủ tục hành chính theo quy định của đơn vị đào tạo.
  2. Luận văn thạc sĩ đ­ược đánh giá công khai tại hội đồng đánh giá luận văn. Luận văn có liên quan tới bí mật quốc gia được bảo vệ theo hướng dẫn riêng.
  3. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định thành lập hội đồng đánh giá luận văn cho học viên được đào tạo tại các viện, khoa và trung tâm. Các đơn vị này tổ chức cho học viên bảo vệ luận văn.
  4. Hiệu trưởng trường đại học thành viên quyết định thành lập hội đồng đánh giá luận văn cho học viên được đào tạo tại đơn vị mình. Khoa chuyên môn của các đơn vị này tổ chức cho học viên bảo vệ luận văn.
  5. Hội đồng đánh giá luận văn có 5 thành viên, gồm: 1 chủ tịch, 1 thư­ kí, 2 phản biện và 1 uỷ viên trong đó có ít nhất 2 thành viên ở ngoài cơ sở đào tạo thuộc hai đơn vị khác nhau. Mỗi thành viên hội đồng chỉ được đảm nhận một chức trách trong hội đồng. Người hướng dẫn khoa học không là thành viên hội đồng.
    • Thành viên hội đồng phải có học vị tiến sĩ hoặc chức danh phó giáo sư trở lên; có chuyên môn phù hợp, am hiểu những vấn đề có liên quan đến đề tài luận văn; không có quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột, không là cấp dưới trực tiếp của người bảo vệ luận văn;
    • Chủ tịch hội đồng phải có năng lực và uy tín chuyên môn, có kinh nghiệm trong tổ chức điều hành công việc của hội đồng;
    • Phản biện phải am hiểu đề tài luận văn, không là đồng tác giả với học viên trong các công trình công bố có liên quan đến đề tài luận văn (nếu có).
  6. Hội đồng đánh giá luận văn không họp nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:
    • Vắng mặt chủ tịch hội đồng hoặc thư­ kí hội đồng;
    • Vắng mặt phản biện có ý kiến không tán thành luận văn;
    • Vắng mặt từ hai thành viên hội đồng trở lên.
  7. Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định các tiêu chí đánh giá chất lượng luận văn.
  8. Điểm nội dung luận văn tối đa 9 điểm, điểm thành tích nghiên cứu tối đa 1 điểm cho luận văn mà học viên có bài báo khoa học liên quan công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
  9. Điểm luận văn là trung bình cộng điểm chấm của các thành viên hội đồng có mặt trong buổi bảo vệ được làm tròn đến một chữ số thập phân sau đó được chuyển thành điểm chữ theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 của Quy chế này.
  10. Luận văn đạt yêu cầu khi đạt điểm từ C trở lên. Trong trường hợp luận văn không đạt yêu cầu, học viên được sửa chữa để bảo vệ luận văn lần thứ hai (bảo vệ lại) trước hội đồng đánh giá luận văn lần thứ nhất. Lịch bảo vệ lại luận văn do đơn vị đào tạo ấn định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bảo vệ lần thứ nhất. Học viên phải tự túc kinh phí sửa chữa và bảo vệ lại luận văn. Không tổ chức bảo vệ luận văn lần thứ ba.